Văn Chương Là Gì: Tiếng Lòng Của Người Cầm Bút

  • Home
  • Là Gì
  • Văn Chương Là Gì: Tiếng Lòng Của Người Cầm Bút
Tháng 2 28, 2025

Văn chương bắt nguồn từ đâu trong cuộc sống con người? Một cốt truyện ly kỳ, một bài thơ sâu lắng hay một áng văn xuôi đầy xúc động? Văn chương được chắt lọc từ những rung cảm tinh tế, nhạy cảm của người nghệ sĩ, từ những “giọt nước mắt cảm xúc” chân thành. Nó như “đứa con tinh thần” của người cầm bút, là nỗi niềm mà họ gửi gắm vào từng câu chữ, từng vần thơ, làm say đắm lòng người. Như Pushkin đã từng nói: “Linh hồn là ấn tượng của một tác phẩm. Cây cối sống được là nhờ ánh sáng, chim muông sống được là nhờ tiếng ca, một tác phẩm sống được là nhờ tiếng lòng của người cầm bút.”

Văn Chương – Nghệ Thuật Ngôn Từ Và Tiếng Nói Của Tâm Hồn

Văn chương là một loại hình nghệ thuật được biểu hiện bằng ngôn từ. Mỗi tác phẩm như một lớp phù sa để lại trong ta những ký ức đẹp, những cảm nhận mới mẻ về thiên nhiên và con người. Thạch Lam từng nói: “Đó là thứ khí thanh cao và độc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người trong sạch và phong phú thêm”. Văn chương khởi phát từ tấm lòng người cầm bút, từ những “giọt nước mắt” chảy trong lồng ngực tác giả. Giọt nước mắt ấy chính là hiện thân cho những giá trị cảm xúc, là nước mắt đau đớn, nước mắt đồng cảm, là niềm vui, nỗi buồn, là sự vỡ òa trước phận đời hẩm hiu, trước những hiện thực nghiệt ngã, ngang trái.

Văn chương giúp ta khơi dậy những tình cảm, cảm xúc mà trước nay ta chưa từng có. Đó là thứ tình cảm ta cảm nhận được thông qua cảm xúc của nhân vật, bởi lẽ ta chưa từng trải qua cũng như biết đến. Và đối với những tình cảm nhân bản mà ta có sẵn, văn chương sẽ làm đầy đặn nó thêm, tôi luyện nó trở nên sâu sắc, vững bền và đẹp hơn bao giờ hết, làm cho xúc cảm trong cuộc đời của ta trở nên muôn màu, muôn vẻ.

Linh Hồn Của Tác Phẩm Và Sức Sống Bất Tận

Mỗi tác phẩm văn chương mang trong mình một linh hồn riêng, những nỗi niềm, khát khao và thông điệp riêng mà tác giả muốn truyền đạt. Những sáng tác của nhà văn như những công trình nghệ thuật và người nghệ sĩ chính là kỹ sư khắc họa và hoàn thành công trình ấy. Để tạo nên một tác phẩm thành công và trường tồn theo thời gian, tác phẩm phải đáp ứng được những yêu cầu cơ bản về chân – thiện – mỹ cùng với sự sáng tạo và nghệ thuật của nhà văn. Văn học như muối của biển, nó phải được gạn lọc từ hiện thực xô bồ của đời sống xã hội với biết bao hiện thực đan cài, chồng chéo nhau giữa bao cái có nghĩa và vô nghĩa, tất yếu và ngẫu nhiên, bản chất và hiện tượng. Nhà văn phải biết chọn lấy những gì tinh túy nhất, cốt lõi nhất, cái thần của sự vật, mang tính khái quát cao để từ đó rút ra những bài học về đạo đức và nhân sinh.

Mỗi tác phẩm sinh ra như chứa đựng trên mình những triết lý, ý nghĩa về cuộc sống hay về một thực trạng nào đó. Sẽ có vô vàn các tác phẩm được sinh ra trong cùng một thời đại nhưng sẽ có được bao nhiêu tác phẩm vẫn mãi luôn đọng lại và in sâu trong lòng độc giả? Tại sao khi nhắc đến văn học trung đại ta lại nghĩ ngay đến Truyện Kiều – Nguyễn Du? Tại sao khi nhắc đến thơ ca trữ tình chính trị ta lại nghĩ ngay đến Tố Hữu? Và tại sao khi nói đến ông hoàng thơ tình ta lại nghĩ ngay đến nhà thơ Xuân Diệu? Phải chăng những vần thơ trên là những tuyệt tác tiêu biểu nhất? Hay do đó đều được xuất phát từ tiếng lòng của nhà văn, từ những dòng cảm xúc chân thật đến không ngờ, từ những trái tim đầy nhiệt huyết của người nghệ sĩ cầm bút.

Phản Ánh Hiện Thực Và Tiếng Nói Thời Đại

Nhân vật trong tác phẩm của một thiên tài thực sự nhiều khi thật hơn cả con người ngoài đời, bởi sức sống lâu bền, bởi ý nghĩa điển hình của nó. Qua nhân vật ta thấy được cả một tầng lớp, một giai cấp, một thời đại, thậm chí có nhân vật còn vượt lên khỏi thời đại, có ý nghĩa nhân loại, vĩnh cửu sống mãi với thời gian…

Thơ có thể ví như cánh diều, cuộc đời tạo cho cánh diều là hình hài sắc vóc, còn nghệ thuật là làn gió nâng cánh diều bay bổng trên bầu trời cao rộng, nâng cảm xúc đến mức thăng hoa. Ta yêu Truyện Kiều đâu phải vì “Đoạn trường tân thanh” xé ruột cất lên từ quãng đời mười lăm năm lưu lạc truân chuyên của cánh hoa Thúy Kiều, người Việt Nam yêu Truyện Kiều còn vì những “ngôn từ gấm hoa” bởi sức biểu cảm vì âm hưởng ca dao dịu dàng man mác trong thơ ca lục bát của dân tộc và cả vì giá trị đạo đức, vì lòng yêu thương con người xuất phát từ cõi lòng của đại thi hào Nguyễn Du:

“Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”

Nam Cao từng viết trong Giăng sáng: “Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”. Nhận định ấy cho ta những suy nghĩ sâu sắc về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực cuộc sống. Cuộc sống giống như một nghiên mực mà nhà văn phải chấm bút vào đấy, tức là nhà văn phải xuất phát từ hiện thực, nếu văn chương không xuất phát từ hiện thực thì chỉ là “ánh trăng lừa dối” mà thôi. Nhận định trên đã gợi nhắc ta đến ngay với nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao, Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên, hay nhân vật Tràng trong Vợ nhặt của Kim Lân. Qua đó ta thấy được văn chương luôn phản ánh con người và thời đại một cách cao đẹp thông qua tiếng lòng và ngòi bút của tác giả.

Văn Chương – Tâm Hồn Và Cuộc Sống

Phiên chợ “cuộc đời” phồn tạp bày bán đủ mặt hàng hời hợt nhưng lại không có sự cảm thông. Chính vì nhà văn bất mãn trước những nghịch cảnh trên đôi mắt của mình nên anh đã trao ban những ngọt ngào vốn của riêng dành tặng cho nhân thế. Nhà văn giữ vững bản thân, thu mình lại và viết. Bởi khi anh chấm ngòi bút vào nghiên mực rồi, hồn của riêng anh nhưng chữ của trái tim. Nhuần nhị trong những trăn trở và sáng tác của đời thi sĩ, A. De Musset trong “những bậc thầy văn chương” viết rằng: “Những lời tuyệt vời nhất là những lời ca hay nhất. Ta biết có những lời bất hủ song chẳng qua là những nức nở mà thôi”.

Văn chương là tâm hồn và là cuộc sống. Hai thứ ấy như hòa quyện vào nhau. Cuộc sống là chất liệu của văn chương còn văn chương thì làm đẹp lòng người. Nhưng để lòng người càng thêm yêu đẹp thì văn chương trước hết cũng phải đẹp, phải hay. Nghĩa là nó phải yêu thương đích thực và phải là sản phẩm của những con người biết thương yêu, phải xuất phát từ cõi lòng, từ cảm xúc, từ giọt ngọc của người nghệ sĩ.

Leave A Comment

Create your account