Folate là một nhóm các chất thường được biết đến dưới dạng vitamin B9 bao gồm acid folic, dihydrofolate (DHF), tetrahydrofolate (THF),… Đây là một trong những yếu tố cần thiết trong quá trình hình thành hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu bình thường của cơ thể. Folate đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường tái tạo tế bào, xây dựng cơ và hình thành hemoglobin. Vì vậy, thiếu hụt folate là một trong các nguyên nhân chính gây thiếu máu. Bên cạnh đó, folate còn hỗ trợ những trường hợp bị rối loạn tình cảm và tâm thần.
Folate là dạng vitamin nhóm B tan trong nước. Nó có nhiều trong các loại thịt đỏ, gan, lòng đỏ trứng, các loại rau có màu xanh đậm, ngũ cốc và đậu. Ngoài ra, cơ thể cũng có khả năng tự sản sinh ra loại vitamin này và nó sẽ được lưu trữ ở gan.
Hình 1: Vai trò của folate trong quá trình tạo hồng cầu và tổng hợp DNA
Folate rất cần thiết cho sự tăng trưởng, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh. Nó góp phần quan trọng trong sự phát triển bình thường của thai nhi, giúp tăng trưởng tế bào và mô cũng như tạo ra DNA mang thông tin di truyền. Phụ nữ mang thai cần bổ sung đầy đủ vitamin này trong thời kỳ mang thai để giúp ngăn ngừa các khiếm khuyết về sọ não và tủy sống, chẳng hạn như spina bifida và hở môi, hở hàm ếch.
Khi cơ thể thiếu hụt axit folic sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng sức khỏe. Bởi vậy, trong chế độ dinh dưỡng mỗi ngày, mỗi người cần cân nhắc để bổ sung những hàm lượng dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, bao gồm cả folate. Việc bổ sung đầy đủ folate có thể thực hiện thông qua chế độ ăn uống hoặc sử dụng các sản phẩm bổ sung vitamin B9.
Xét nghiệm folate thường được các bác sĩ yêu cầu thực hiện khi người bệnh xuất hiện những triệu chứng cơ thể thiếu hụt acid folic hoặc vitamin B12. Các biểu hiện có thể là: những dấu hiệu về vấn đề nhận thức như dễ cáu gắt, hay quên, khó tập trung; làn da thường nhợt nhạt; đau nhức cơ thể; khó thở; những vấn đề khác liên quan đến hệ tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn và đau bụng; làm giảm cảm giác vị giác; hoa mắt, chóng mặt và tăng nhịp tim.
Hình 2: Triệu chứng thiếu máu do thiếu hụt folate: mệt mỏi, da nhợt nhạt, đau đầu.
Những bà mẹ mang thai cũng nên thường xuyên kiểm tra nồng độ folate trong máu để đảm bảo sự phát triển bình thường của thai nhi. Xét nghiệm này được tiến hành bằng cách lấy máu xét nghiệm sau khi người bệnh nhịn ăn từ 6 – 8 tiếng. Giá trị bình thường của folate trong máu là 4,6 – 34,8 ng/ml.
Nồng độ folate cao nghĩa là cơ thể có chế độ ăn giàu folate hoặc đang sử dụng các thuốc bổ sung. Lượng acid folic cao không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng có thể hướng đến một vấn đề là cơ thể có thể đang bị thiếu hụt vitamin B12.
Nồng độ acid folic thấp thường gặp trong các trường hợp thiếu máu, hồng cầu khổng lồ, những người có khả năng hấp thu dinh dưỡng kém, một số bệnh về thận, gan.
Hình 3: Các loại thực phẩm giàu Folate và Vitamin nhóm B hỗ trợ sức khỏe.
Bởi vậy, việc xây dựng một chế độ ăn uống khoa học và đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là folate, là rất quan trọng. Nên thường xuyên bổ sung những thực phẩm giàu axit folic như các loại trái cây họ cam quýt, ngũ cốc nguyên hạt, bông cải xanh, cải bó xôi, các loại đậu, măng tây, nấm,… Kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, việc luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày cũng giúp tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch, hỗ trợ hấp thu folate tốt hơn.