Ký Quỹ Là Gì?

Tháng 2 10, 2025

Khoản 1 Điều 330 Bộ luật Dân sự năm 2015 định nghĩa ký quỹ là:

1. Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.

Nói một cách đơn giản, ký quỹ là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Người ký quỹ gửi tài sản có giá vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ, bồi thường thiệt hại. Trong giao dịch dân sự thông thường, các hình thức bảo đảm nghĩa vụ như thế chấp, đặt cọc phổ biến hơn ký quỹ.

Ví dụ về ký quỹ:

Anh A và anh B hợp tác làm ăn, anh A là bên mua, anh B là bên bán. Do hàng không có sẵn, hai anh thỏa thuận anh B sẽ ký quỹ tại ngân hàng D một khoản tiền là 4 tỷ đồng để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng trong thời gian 12 tháng. Nếu đến hạn hợp đồng, anh B không giao hàng cho anh A thì anh A có quyền yêu cầu ngân hàng dùng số tiền 4 tỷ đồng để bồi thường thiệt hại cho anh A. Khi hết 12 tháng, hợp đồng hết hạn nhưng anh B vẫn chưa giao được hàng cho anh A nên anh A đã yêu cầu ngân hàng D sử dụng số tiền ký quỹ 4 tỷ đồng để thay anh B bồi thường thiệt hại cho anh A.

Ký quỹ cũng được sử dụng trong chứng khoán. Theo khoản 10 Điều 2 Thông tư 120/2020/TT-BTC:

10. Giao dịch ký quỹ tại công ty chứng khoán (sau đây gọi là giao dịch ký quỹ) là giao dịch mua chứng khoán có sử dụng tiền vay của công ty chứng khoán, trong đó chứng khoán có được từ giao dịch này và các chứng khoán khác được giao dịch ký quỹ của nhà đầu tư được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay trên.

Ký quỹ trong chứng khoán là giao dịch mua chứng khoán bằng tiền vay của công ty chứng khoán. Tài sản dùng để ký quỹ là chứng khoán được mua trong giao dịch ký quỹ và chứng khoán khác của nhà đầu tư.

Tài khoản ký quỹ, hay còn gọi là tài khoản ký quỹ bị trừ, là một loại tài khoản dùng để giao dịch chứng khoán. Theo Điều 6 Thông tư 120/2020/TT-BTC, sau khi bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư phải có tài khoản ký quỹ bù trừ tại thành viên bù trừ trước khi giao dịch chứng khoán.

Khi bên ký quỹ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã bảo đảm, bên có quyền sẽ được ngân hàng nơi thực hiện ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, khoản ký quỹ này sẽ phải trừ đi chi phí dịch vụ.

Theo Điều 39 Nghị định 21/2021/NĐ-CP, nếu nghĩa vụ được bảo đảm trong việc ký quỹ bị vi phạm thì số tiền dùng để ký quỹ sẽ được dùng để thanh toán nghĩa vụ, bồi thường thiệt hại sau khi đã trừ đi các chi phí nếu có.

Khoản 2 Điều 330 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc sử dụng tiền ký quỹ:

2. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ.

Tiền ký quỹ sẽ được dùng để thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên ký quỹ gây ra sau khi trừ đi chi phí dịch vụ nếu người có nghĩa vụ không thực hiện/thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình.

Hiện nay, tồn tại một số hình thức ký quỹ như:

  • Ký quỹ bảo lãnh: Nhà đầu tư phải ký quỹ/phải bảo lãnh để đảm bảo thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tại tổ chức tín dụng (theo Điều 35 Nghị định 31/2021/NĐ-CP).

  • Ký quỹ L/C (Letter of credit – thư tín dụng): Ngân hàng lập thư tín dụng dựa vào yêu cầu của các bên nhập và xuất khẩu, ngân hàng là tổ chức trung gian cam kết sẽ thanh toán một phần/toàn bộ số tiền trong giao dịch của hai bên.

  • Ký quỹ để được phép hoạt động một số ngành, nghề như kinh doanh lữ hành nội địa phải ký quỹ 100 triệu đồng và kinh doanh lữ hành quốc tế thì phải ký quỹ 250 triệu đồng; kinh doanh dịch vụ việc làm phải ký quỹ 300 triệu đồng…

Khoản 3 Điều 330 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ:

3. Thủ tục gửi và thanh toán thực hiện theo quy định của pháp luật.

Việc gửi tài sản có giá vào tổ chức tín dụng để thực hiện ký quỹ được thực hiện theo quy định về tín dụng. Đây là hoạt động gửi tiền vào ngân hàng để đảm bảo thực hiện một nghĩa vụ nào đó theo thỏa thuận của các bên.

Tùy vào từng ngân hàng, người ký quỹ và người có quyền lợi liên quan sẽ thực hiện việc ký quỹ theo thủ tục của từng ngân hàng hướng dẫn về mẫu hợp đồng, loại tài sản, lãi suất. Mức ký quỹ thực hiện theo thỏa thuận của các bên.

Về hình thức ký quỹ trong đầu tư theo Nghị định 31/2021/NĐ-CP, các nhà đầu tư cần lưu ý một số vấn đề liên quan đến ký quỹ trong đầu tư:

Trường hợp phải ký quỹ: Khi muốn bảo đảm thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo khoản 1 Điều 25 Nghị định 31/2021/NĐ-CP. Tổ chức tín dụng và nhà đầu tư phải ký hợp đồng bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ và thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, tín dụng, bảo lãnh ngân hàng.

Thời điểm thực hiện ký quỹ: Căn cứ khoản 5 Điều 26 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, các trường hợp phải thực hiện ký quỹ gồm: Sau khi được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư/Quyết định chấp thuận nhà đầu tư/Quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá; Trước khi thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt (khi nhà đầu tư không tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư)/trước thời điểm ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (nhà đầu tư đã tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc được chọn để thực hiện dự án thông qua đấu giá quyền sử dụng đất và được cho thuê đất, trả tiền thuê đất hàng năm).

Mức ký quỹ: được thực hiện theo khoản 2 Điều 26 Nghị định 31 năm 2021 căn cứ vào tỷ lệ phần trăm của vốn đầu tư của dự án theo nguyên tắc lũy tiến từng phần như sau: Vốn đến 300 tỷ đồng: 3%; Vốn từ trên 300 – 1.000 tỷ đồng: 2%; Vốn trên 1.000 tỷ đồng: 1%.

Các bên trong hoạt động ký quỹ gồm bên ký quỹ, bên có quyền trong ký quỹ và bên tổ chức tín dụng (bên nhận ký quỹ). Các bên này sẽ có quyền, nghĩa vụ theo quy định của Nghị định 21/2020/NĐ-CP như sau:

Tổ chức tín dụng nơi ký quỹ Bên ký quỹ Bên có quyền trong ký quỹ
Quyền lợi: Hưởng phí dịch vụ; Yêu cầu bên có quyền thực hiện đúng thỏa thuận để được thanh toán nghĩa vụ từ tiền ký quỹ theo thỏa thuận về ký quỹ với bên ký quỹ. Quyền lợi: Thỏa thuận về điều kiện thanh toán theo đúng cam kết với bên có quyền với tổ chức tín dụng nơi ký quỹ; Yêu cầu tổ chức tín dụng nơi ký quỹ hoàn trả tiền ký quỹ còn lại cho bên ký quỹ sau khi thanh toán nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền và khi chấm dứt ký quỹ; Được trả lãi trong trường hợp có thỏa thuận với tổ chức tín dụng nơi ký quỹ; Rút bớt, bổ sung tiền ký quỹ hoặc đưa tiền ký quỹ tham gia giao dịch dân sự khác trong trường hợp bên có quyền đồng ý. Quyền lợi: Yêu cầu tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán nghĩa vụ đầy đủ, đúng hạn trong phạm vi tiền ký quỹ; Thực hiện đúng thủ tục theo yêu cầu của tổ chức tín dụng nơi ký quỹ trong việc thực hiện quyền yêu cầu tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán nghĩa vụ đầy đủ, đúng hạn trong phạm vi tiền ký quỹ.
Nghĩa vụ: Hoàn trả tiền ký quỹ còn lại cho bên ký quỹ sau khi thanh toán nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền và khi chấm dứt ký quỹ; Thanh toán nghĩa vụ ký quỹ theo yêu cầu của bên có quyền trong phạm vi tiền ký quỹ; Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật tại Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan. Nghĩa vụ: Nộp đủ tiền ký quỹ tại tổ chức tín dụng nơi ký quỹ; Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật tại Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan. Nghĩa vụ: Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật tại Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan.

Việc quản lý, xử lý tài sản ký quỹ được quy định tại khoản 5 Điều 14 Thông tư 58/2021/TT-BTC như sau:

  • Thành viên bù trừ sử dụng tài sản ký quỹ trên tài khoản giao dịch tương ứng của chính nhà đầu tư đó để ký quỹ, bảo đảm nghĩa vụ thanh toán, thực hiện thanh toán cho các vị thế.

  • Phải quản lý tách biệt tài sản ký quỹ của nhà đầu tư, không được coi và không phải là tài sản của thành viên bù trừ kể cả khi đã ký quỹ trên tài khoản ký quỹ thành viên.

  • Nhà đầu tư mất khả năng thanh toán: Thành viên bù trừ được dùng, bán, chuyển giao tài sản ký quỹ mà không cần chấp thuận của nhà đầu tư nhưng phải thông báo cho nhà đầu tư về việc xử lý tài sản ký quỹ trong vòng 01 ngày sau khi xử lý tài sản ký quỹ. Trong thông báo nêu rõ lý do, loại tài sản, thời gian, giá trị đã thực hiện…

  • Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có thể hỗ trợ thanh toán cho các vị thế của nhà đầu tư, thành viên bù trừ thông qua việc sử dụng tài sản ký quỹ của nhà đầu tư và của thành viên bù trừ đã nộp cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Đặc biệt, trong thời gian ký quỹ trên tài sản ký quỹ, nhà đầu tư, thành viên bù trừ không được thực hiện các công việc gồm: Chuyển nhượng, cho tặng, thế chấp, cầm cố, ký quỹ, ký cược, đăng ký tài sản đảm bảo hoặc dùng các loại tài sản ký quỹ vào mục đích khác.

Leave A Comment

Create your account