Gương sáng cũng không đài là gì?

Tháng 2 10, 2025

Bài kệ của Thần Tú trình kiến giải bằng câu “Thân là cây Bồ Đề”, trong khi Huệ Năng đối lại “Bồ Đề vốn không cây”. Các nhà chú giải thường bình rằng Thần Tú chấp trước còn Huệ Năng phá chấp. Thực tế, bài kệ của Thần Tú sai lầm ngay từ câu đầu. Phật dạy thân là nguồn gốc của khổ đau, đem thân so sánh với Bồ Đề là sai lầm. Tu là tu tâm chứ không phải trau chuốt thân thể. Huệ Năng vì thế mới nói “Bồ Đề vốn không cây”.

Câu thứ hai của Thần Tú, “Tâm như đài gương sáng”, cũng sai. Ví Phật tánh như gương sáng thì được, nhưng ví như đài gương sáng thì sai. Thần Tú viết sai là do vấn đề vần trong bài kệ. Chữ “đài” trong câu chữ Hán là để hiệp vần với câu cuối “Vật sử nh trần ai” (chớ để cho bụi bám). Do đó, Huệ Năng mới nói: “Gương sáng cũng không đài”.

Thần Tú tiếp tục với “Thời thời phải lau chùi”, pháp tu này không phải Thiền tông, vì đây là trau dồi vọng tâm. Ngày ngày trau dồi vọng tâm thì vọng tâm vẫn là vọng tâm, không thể thành Phật tánh. Huệ Năng đối lại “Xưa nay không một vật”, nói rằng không có gì để lau chùi, Phật tánh không có gì để lau chùi.

Thần Tú kết luận “Chớ để cho bụi bám”, Huệ Năng đối lại “Nào chỗ bám trần ai?”. Câu này hàm ý Phật tánh không hề bị nhiễm ô. Chỉ người kiến tánh mới chứng được Phật tánh không nhiễm ô. Nhờ vậy, Huệ Năng được truyền y bát.

Nguyên lý sống còn của Thiền tông là Phật tánh không hề bị nhiễm. Vì Phật tánh không nhiễm nên mới nói ngộ, nói minh. Xưa nay, Phật tánh vốn tự viên thành; từ vô thỉ, Phật tánh của chúng ta vốn viên mãn, trong sáng và là Đại Niết Bàn. Điều cao siêu nhất là Phật tánh không hề bị nhiễm. Chính vì Phật tánh không nhiễm mà ta mới có thể kiến tánh, mới có pháp môn kiến tánh, mới có Thiền tông.

Tuy nhiên, hiểu Phật tánh là Không thì sai lầm. Phật tánh không phải là Không. Phật tánh vừa là Chân Không vừa là Diệu Hữu, là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Người đầu tiên vì câu “Xưa nay không một vật” mà nghĩ Phật tánh là Không chính là Thần Tú.

Thần Tú chủ trương “Thời thời phải lau chùi, chớ để cho bụi bám” là pháp tu của Nhị Thừa: tu Thiền định, Giải thoát, đắc A La Hán. Mục đích của Thiền tông là Kiến tánh chứ không phải Thiền định, Giải thoát. Thần Tú không hiểu mục đích và cách hành đạo của Thiền tông, ngay cả Phật pháp cơ bản cũng không thông. Còn bài kệ của Huệ Năng nói lên chân lý về Thiền tông và Phật tánh. Đó là bài kệ của người đã Kiến tánh. “Gương sáng cũng không đài” khẳng định Phật tánh vốn trong sáng, không cần lau chùi, không bị nhiễm ô.

Leave A Comment

Create your account